Xuất bản thông tin

null Gặp mặt tham vấn ý kiến doanh nghiệp về cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Gặp mặt tham vấn ý kiến doanh nghiệp về cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các doanh nghiệp (DN) góp ý các cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Đồng Tháp, sáng ngày 14/10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với các DN, nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào KKTCK. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì buổi gặp gỡ.

Doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt và góp ý chính sách

Theo Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 9/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, KKTCK tỉnh Đồng Tháp có diện tích 31.936ha, phạm vi gồm 15 xã, phường, cụ thể là các phường: An Lộc, An Thạnh, An Lạc, các xã: Tân Hội, Bình Thạnh (TP Hồng Ngự); các xã: Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Thới Tiền (thuộc huyện Hồng Ngự); các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình và thị trấn Sa Rài (thuộc huyện Tân Hồng); gồm 2 cửa khẩu quốc tế và 5 cửa khẩu phụ.

Từ khi thành lập, KKTCK tỉnh Đồng Tháp áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định chung của Trung ương đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tạo điều kiện thu hút DN đầu tư. Tuy nhiên, theo các DN, hiện nay, các cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành đối với KKTCK cũng giống như địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có tính đặc thù, chưa tạo được sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân không hấp dẫn nhà đầu tư vào KKTCK trên địa bàn tỉnh...

“Đồng Tháp xem kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế động lực để phát triển trong thời gian tới và tỉnh cũng ban hành Nghị quyết để vực dậy KKTCK. Đồng Tháp sẵn sàng đi tiên phong trong mọi lĩnh vực để tạo động lực phát triển KKTCK trong thời gian tới. Tỉnh mong muốn lắng nghe các DN, nhà đầu tư để trên cơ sở đó tỉnh cùng nghiên cứu, đề xuất Trung ương các cơ chế chính sách phù hợp”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.

Hạ tầng được đầu tư bài bản; có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho KKTCK; cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư; có chính sách miễn giảm thuế; tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho KKTCK... Đây là các nội dung đề xuất của DN tại buổi gặp gỡ. Theo các DN, nếu giải quyết được các vấn đề này, đặc biệt hạ tầng được đầu tư mạnh sẽ thu hút mạnh mẽ DN đầu tư vào KKTCK.

Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Giám Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu Tư Đỏ cho rằng, để phát triển KKTCK cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn, tỉnh cần làm việc với các bộ, ngành Trung ương tìm nguồn hỗ trợ cho tỉnh, trong đó kết nối đủ các góc độ trong, ngoài nước. Hoặc tìm các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, chấp nhận mức lợi nhuận dưới 80% để đầu tư, dìu dắt các DN khác cùng phát triển tại KKTCK. Vấn đề này phải có sự kết nối từ hai phía, phải có cơ chế thông thoáng, tạo lòng tin, giúp nhà đầu tư tiết kiệm về chi phí.

Ông Bùi Xuân Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland tham gia góp ý tham mưu chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp

Ông Bùi Xuân Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland chia sẻ, qua sự mời gọi và nghiên cứu môi trường đầu tư tại Đồng Tháp, đầu năm 2022 (ngày 23/1) Novagroup và UBND tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã ký kết biên bản hợp tác phát triển Dự án Mekong Smart City. NovaGroup đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển KKTCK và đã chuyển giao lại cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp và mời gọi các đối tác phát triển dự án. Qua các buổi làm việc với đối tác, ông thấy rằng, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt về hạ tầng, thuế, cơ chế hình thành trung tâm logistics, du lịch... tạo đòn bẩy, thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng hợp lực phát triển.

Nhiều DN cũng đề xuất, tỉnh nên chú trọng công tác đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với định hướng phát triển các khu công nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể để DN phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ đất cho các nhà máy chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu; hỗ trợ kêu gọi DN đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước; có chính sách hỗ trợ (tài chính) cho người nông dân; có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ đầu tư vào KKTCK...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cảm ơn các doanh nghiệp đã góp ý tham mưu chính sách

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong  ghi nhận, cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của DN và cho rằng, các đề xuất cụ thể, mang tính kỳ vọng của  DN là cơ sở để tỉnh có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc phát triển KKTCK. Bí thư mong muốn trong quá trình tiếp cận đầu tư tại KKTCK, DN sẽ cung cấp thêm các thông tin hữu ích để tỉnh có sự tham mưu chính sách tốt hơn. Tỉnh xác định chỉ có sự tham mưu chính sách hiệu quả mới vực dậy được KKTCK.

 

Văn Thanh

Nguồn: baodongthap

Có thể bạn quan tâm