Xuất bản thông tin

null Thông qua chương trình hành động, nghị quyết và kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Thông qua chương trình hành động, nghị quyết và kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Trong 2 ngày (16-17/9) Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XI) tổ chức hội nghị lần thứ 5. Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Hội nghị đã dành thời gian thảo luận 6 nhóm nội dung quan trọng, trong đó có 1 Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 2 Nghị quyết và 3 Kết luận chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (giữa) chủ trì hội nghị

Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm cụ thể hóa và bổ sung những quan điểm, chủ trương mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào phương châm hành động của tỉnh. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nghị quyết đại hội đảng bộ ở địa phương, đơn vị.

Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác Dân vận đến năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhất là trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đúng mức đến công tác Dân vận, tạo sự đồng thuận cao từ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đối với Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đưa ra mục tiêu hình thành “Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đồng Tháp” với kỳ vọng sẽ đưa hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại trong phạm vi cấp tỉnh mà mở rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long và kết nối nguồn lực với nhiều nơi trong nước cũng như quốc tế.

Kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ngoài mục tiêu phát triển các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn cũng như các bến cảng, hệ thống đường thủy. Nhiệm kỳ này, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc như: Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; nâng cấp Quốc lộ N2B lên thành cao tốc; xây dựng hoàn chỉnh tuyến tránh QL30 (đoạn TP Cao Lãnh); kiến nghị đầu tư tuyến Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; tuyến đường N1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 90km đường cao tốc, thêm 14km đường Quốc lộ. Đồng thời, tạo tuyến vận tải đường thuỷ Mương Khai - Đốc Phủ Hiền (địa phận TP Sa Đéc, huyện Châu Thành và huyện Lai Vung) để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá bằng đường thủy từ sông Tiền qua sông Hậu và ngược lại.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, việc ban hành các nghị quyết, kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh chậm so với tiến độ do yếu tố khách quan và chủ quan. Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát thì các cơ quan tham mưu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành các Nghị quyết, kết luận và đưa vào triển khai thực hiện. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, mặc dù tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại rất cao. Do đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là mà phải hết sức cảnh giác cao độ, phải chủ động xây dựng kịch bản sống chung với dịch bệnh. Không vì lý do dịch bệnh mà đình trệ tất cả các hoạt động, trong đó những hoạt động nào làm việc tại nhà, trực tuyến thì cần được đẩy mạnh, phát huy.

Công tác chuẩn bị tổ chức học trực tuyến trong năm học mới với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 cần phải có phương án triển khai chi tiết và khẩn trương, nhất là trong bối cảnh nhiều em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh không có điều kiện trang bị dụng cụ học tập trực tuyến. Đây là một thách thức lớn về nguồn lực, do đó ngành giáo dục đào tạo và các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp, phải đến từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, để có giải pháp hỗ trợ kịp thời…

 

Văn Thanh

Nguồn: baodongthap.vn

 

Có thể bạn quan tâm