Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp tham gia góp ý Khung định hướng phát triển vùng Đồng Bằng sông Cửu Long

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Đồng Tháp tham gia góp ý Khung định hướng phát triển vùng Đồng Bằng sông Cửu Long

Ông Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chủ trì buổi làm việc với đại diện tỉnh Đồng Tháp và đơn vị tư vấn (Haskoning, Hà Lan) về góp ý Khung định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Buổi làm việc giữa Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với đại diện tỉnh Đồng Tháp và đơn vị tư vấn về góp ý cho Khung định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đại diện cho tỉnh Đồng Tháp, ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ một số thông tin về hiện trạng phát triển các ngành, lĩnh vực và ý tưởng của địa phương trong thời gian sắp tới để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đưa vào định hướng quy hoạch vùng, tạo điều kiện về khung pháp lý cho các quy hoạch cấp dưới triển khai.

Theo đó, ông Trương Hoà Châu đề nghị xem xét điều chỉnh phân vùng thích nghi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; tiếp cận phát triển đô thị theo hướng đa cực, liên kết và phát huy bản sắc từng đô thị; xu hướng chuyển dịch dân số cơ học trong tiến trình phát triển; thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông bộ (các tuyến cao tốc kết nối) và giao thông thủy, hệ thống đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cập nhật bổ sung xây dựng Trung tâm đầu mối ở Đồng Tháp với mặt hàng chủ lực thủy sản và cây ăn trái; việc thành lập một trung tâm xử lý rác thải chung cho 02 - 03 tỉnh chưa phù hợp với điều kiện thực tế v.v..

Ông Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch đánh giá cao ý tưởng, đề xuất của Đồng Tháp và đề nghị đơn vị tư vấn xem xét cập nhật phù hợp, đồng thời lưu ý nghiên cứu kỹ hơn trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với một số nội dung: Phát triển đô thị là trọng tâm cho phát triển kinh tế của vùng; phát triển giáo dục đại học để phát triển nguồn nhân lực cho địa phương về lâu dài; phân vùng sản xuất không nên cứng quá sẽ khó khăn cho các bước triển khai về sau; việc đầu tư tuyến đường sắt cần có nghiên cứu đầy đủ về số liệu, dự báo, tính toán để đánh giá tính khả thi; xem xét, cân nhắc kỹ ưu điểm của việc xây dựng Trung tâm xử lý rác thải tập trung cũng như hạn chế trong thực tế triển khai tại địa phương v.v..

BBT Sở KHĐT

Có thể bạn quan tâm