Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp khuyến nghị 05 nội dung phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Đồng Tháp khuyến nghị 05 nội dung phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL

Tại Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào chiều 14/12, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ cảm nhận về Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long và góc nhìn về phát triển nông nghiệp bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chia sẻ
tại Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020

Mở đầu phần chia sẻ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp thiết, vì bối cảnh hiện nay của có nhiều sự thay đổi, biến động lớn, đó là: Sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún; mô hình phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào tài nguyên nông nghiệp thuần tuý không còn phù hợp xu thế, sự quan tâm và kỳ vọng của Trung ương ở mức rất cao; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đã nhận thức rõ hơn vai trò liên kết, phát triển vùng, địa phương.

Nhấn mạnh giá trị của Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao VCCI Cần Thơ đã có ý tưởng và chủ động phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam xây dựng báo cáo đầu tiên nhưng rất công phu, bài bản trên các lĩnh vực về kinh tế vùng.

Có thể nói, đây là tài liệu rất quí, quan trọng cho nghiên cứu chiến lược về kinh tế và rất có giá trị, giúp cho Trung ương, địa phương thấy rõ hơn bức tranh tổng thể về thành tựu, những hạn chế về kinh tế - xã hội của vùng, ngành, địa phương trong thời gian qua; đồng thời nâng cao nhận thức hơn trong hoạch định chính sách vĩ mô và lãnh đạo, điều hành trong liên kết, hợp tác vùng, địa phương trong thời gian tới - ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.

Phân tích sâu về nội dung này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho rằng, Báo cáo nổi lên những trăn trở trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long 10 năm qua. Đó là: (1) Đồng bằng sông Cửu Long được cho là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất cả nước, các năm qua các địa phương đều có sự tập trung phát triển khá toàn diện và đạt nhiều thành tựu rất đáng khâm phục, tuy nhiên, sự trăn trở nhất là ở đây về qui mô nền kinh tế ngày càng tụt hậu và phụ thuộc đối với Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả miền Đông Nam bộ, cả nước; (2) Nguồn lực phát triển kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên bản địa (nông – thuỷ sản), ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nền kinh tế vé số đang phát triển và chiếm tỷ trọng khá; (3) Trên 1,3 triệu người phải bỏ xứ đi khỏi vùng; (4) Trình độ dân trí của vùng có nâng lên, nhưng tỷ lệ thấp hơn so các vùng và bình quân cả nước; (5) Dù chiếm 20% dân số cả nước, nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 7% cả nước. Bên cạnh đó, km đường cao tốc thấp nhất và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn trung bình cả nước.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao về nhận diện 04 nhóm biến cố tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long của Báo cáo (biến cố liên quan đến đất, nước, môi trường; sự suy giảm và chất lượng nước; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; khoa học - công nghệ).

Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng đánh cao Báo cáo khi nhận diện với tư duy tích cực là cần bình tĩnh, lạc quan để biến nguy thành cơ, không phải mọi biến cố đều bất lợi; đồng thời, cũng đưa ra 10 thông điệp và định hướng phát triển rất cụ thể.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, có những thông điệp, khuyến nghị rất đáng quan tâm, nghiên cứu nghiêm túc để thực hiện, như: Chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển nền nông nghiệp bền vững, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng; phát triển du lịch, công nghiệp chế biến trở thành bệ đỡ cho phát triển nông nghiệp vùng; cơ chế hợp tác và điều phối vùng (cần có cấp chính quyền vùng) v.v.. Đây là những thông điệp, định hướng phát triển không chỉ đáp ứng cho những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, mà cả những người lãnh đạo, địa phương như chúng tôi rất cần thiết, hữu dụng - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Về góc nhìn phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Báo cáo kinh tế thường niên cũng nhận diện và khuyến nghị về sự phát triển nông nghiệp bền vững của vùng, đó là: Nông nghiệp vẫn là trọng tâm, là nền tảng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho vùng. Tuy nhiên, nền nông nghiệp cần phải có sự chuyển đổi một cách mạnh mẽ sang nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với sự tích hợp thị trường hoá, công nghiệp hoá và công nghệ hoá, dịch vụ hoá và nông nghiệp thích ứng với môi trường và khí hậu để phát triển bền vững.

Để nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp và để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần chú trọng thêm 05 vấn đề:

Thứ nhất, các chuyên gia cần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng sản xuất nông nghiệp; khuyến khích sản xuất theo từng vùng nước; đồng thời sớm quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp vùng gắn với Quy hoạch tổng thể vùng đến 2030 tầm nhìn 2050, để người dân an tâm sản xuất.

Thứ hai, thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng gắn với phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị; hạn chế các cây trồng sử dụng nhiều nước, hạn chế lúa vụ 3, sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế khai thác nước ngầm; đồng thời, quy hoạch tích trữ nước ngọt.

Thứ ba, nâng cao tính độc lập của vùng; đổi mới trong quan điểm về an ninh lương thực, hạn điền trong nông nghiệp; đồng thời, có chính sách thông thoáng hơn trong khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng vùng thành Trung tâm sản xuất chế biến, logistics, thương mại nông sản.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và xây dựng người nông dân chuyên nghiệp; phát triển mạnh Chương trình OCOP kết hợp du lịch xanh.

Thứ năm, có chính sách hài hoà nguồn lực đầu tư cho các địa phương sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

Có thể bạn quan tâm