Xuất bản thông tin

null [e-Magazine] Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp: Trung tâm nông nghiệp - Du lịch sinh thái – Trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng ĐBSCL – Vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của người dân

Trang chủ Chi tiết bài viết

[e-Magazine] Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp: Trung tâm nông nghiệp - Du lịch sinh thái – Trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng ĐBSCL – Vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của người dân

Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 39/QĐ-TTg. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển để Đồng Tháp khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của mình, vững vàng trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản trong chuỗi giá trị sản phẩm, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công.

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển với tầm nhìn dài hạn, tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

 Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hiện đại; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với an toàn thực phẩm.

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt).

 Ngành công nghiệp

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, đồng thời với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển cơ khí, cơ khí chính xác, dược phẩm và các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống.

Tập trung đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, trung tâm chế biến nông, thủy sản gắn với phát triển hệ thống logistics, dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ. Đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các khu, cụm công nghiệp tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

 Ngành dịch vụ

Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ du lịch, y tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Phát triển hệ thống thương mại văn minh hiện đại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển các trung tâm đầu mối, hỗ trợ liên kết dịch vụ thương mại cấp vùng và tiểu vùng, hình thành các trung tâm logistics gắn với các khu, cụm công nghiệp.

Tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng kinh tế - xã hội trung tâm gồm: Thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc; phía Tây huyện Tam Nông; phía Nam huyện Cao Lãnh; phía Bắc các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành (dọc sông Tiền) là vùng động lực phát triển của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch. Trong đó thành phố Cao Lãnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh kết nối với thành phố Sa Đéc trở thành hai cực tăng trưởng của vùng trung tâm.

Vùng kinh tế biên giới (vùng phía Bắc) gồm: Thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, phần lớn huyện Tân Hồng. Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia; trở thành vùng kinh tế động lực, điểm khởi đầu của ba hành lang kinh tế (hàng lang kinh tế ven sông Hậu, hành lang kinh tế ven sông Tiền và hành lang kinh tế Đồng Tháp Mười). Thành phố Hồng Ngự đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng phía Bắc.

Vùng kinh tế ven sông Hậu (vùng phía Tây Nam) gồm: Phía Nam các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với thị trấn Lấp Vò là cực tăng trưởng phía Tây Nam của tỉnh.

Vùng phía Đông Bắc gồm: Huyện Tháp Mười, khu vực phía Đông các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình; khu vực phía Bắc huyện Cao Lãnh. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao tập trung, quy mô lớn gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến nông, thủy sản với thị trấn Mỹ An là cực tăng trưởng vùng Đông Bắc của tỉnh.

Hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam (bố trí theo tuyến Quốc lộ 30 kết nối Quốc lộ 1, cao tốc Bắc -Nam phía Tây, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ N1) là hành lang phát triển chủ lực của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, công nghiệp chế biến, trung tâm dịch vụ hậu cần.

Hành lang kinh tế Nam Sông Tiền (bố trí theo tuyến Quốc lộ 80, Quốc lộ 80B, đường tỉnh 848 và đường Nam Sông Tiền, kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Tây và Quốc lộ 1) phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam (bố trí theo tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây) là tuyến kết nối kinh tế - xã hội các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên với vùng Đồng Tháp Mười và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổ chức các hoạt động kinh tế công nghệ chế biến, dịch vụ nông nghiệp và du lịch sinh thái.

 Phương án phát triển khu kinh tế

Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp với 02 cửa khẩu quốc tế (Thường Phước, Dinh Bà) và 05 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú) trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế với Vương quốc Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

 Phương án phát triển các khu công nghiệp

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 09 khu công nghiệp (thành lập mới 05 khu công nghiệp). Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phê duyệt của các cấp thẩm quyền, tiếp tục thành lập 03 khu công nghiệp mới và mở rộng 04 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh thành 12.

 Phương án phát triển cụm công nghiệp

Đến năm 2030, thành lập mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.623 ha, nâng tổng số thành 32 cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp được bố trí thuận lợi giao thông, vùng nguyên liệu, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các dịch vụ phục vụ người lao động.

 Phương án phát triển các khu bảo tồn, di tích lịch sử - văn hóa, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi khác

Đến năm 2030, thành lập mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.623 ha, nâng tổng số thành 32 cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp được bố trí thuận lợi giao thông, vùng nguyên liệu, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các dịch vụ phục vụ người lao động.

 Về đường bộ

Đường bộ quốc gia: Các tuyến cao tốc, quốc lộ được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đường do tỉnh quản lý:

- Cải tạo, xây mới, nâng cấp đường tỉnh lộ tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh, những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

- Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ thành các tuyến quốc lộ, tuyến đường trục kết nối liên vùng từ Giồng Riềng (Kiên Giang) qua Ô Môn (Cần Thơ) đến Sa Đéc (Đồng Tháp) và các điểm đấu nối quốc lộ với hệ thống giao thông của tỉnh.

- Nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI, V theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xã nông thôn mới.

 Về đường thủy nội địa

Tăng cường năng lực vận tải thủy của các tuyến chính: Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Tháp - Kiên Giang, tuyến Đồng Tháp - Tiền Giang; tuyến vận tải thủy kết nối với Vương quốc Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu.

Nâng cấp, bảo trì, phát triển và khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy địa phương. Phát triển, bảo đảm nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; bảo đảm nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và bảo đảm dự trữ nước cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

 Về cảng biển, cảng cạn

Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Về hàng không

Nghiên cứu, xây dựng sân bay chuyên dùng theo nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế, du lịch và phải bảo đảm phù hợp Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

 Về trung tâm logistics

Đầu tư xây dựng các trung tâm logistics cấp tỉnh tại các thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự và các huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Tân Hồng (tại Khu kinh tế cửa khẩu), Lấp Vò, Tháp Mười đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quá trình sản xuất và phân phối, lưu thông hàng hóa.

 

Văn Thanh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm