Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Đồng Tháp nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã

Sáng 28/4, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Đánh giá chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài điểm cầu trực tiếp tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội nghị còn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các hợp tác xã, các cơ quan ban ngành và địa phương, doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể
từ 0,6% vào năm 2010 đã tăng lên 1,14 % vào năm 2018, cả giai đoạn 2010 - 2018 là 18,4%

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian qua đã góp phần cho kinh tế tập thể, hợp tác xã của Đồng Tháp có những chuyển biến tích cực, nhiều mô hình hợp tác xã điển hình hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, hội nghị sẽ đánh giá việc thực hiện các chính sách, giải pháp khắc phục khó khăn, cũng như đề xuất chính sách đột phá thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 215 hợp tác xã với hơn 55.000 thành viên; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 181 hợp tác xã (chiếm 84,19%); có hơn 1.000 tổ hợp tác và 116 Hội quán đang hoạt động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh áp dụng các chính sách hỗ trợ chung cho kinh tế tập thể, hợp tác xã về khoa học công nghệ, thành lập mới hợp tác xã, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; chính sách riêng cho hợp tác xã nông nghiệp về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm v.v.. Bên cạnh đó còn có chính sách đặc thù: Biệt phái viên chức nông nghiệp làm Phó Giám đốc hợp tác xã, đưa lao động trẻ trình độ Cao đẳng, Đại học về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, vay vốn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện
các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, vận dụng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào thực tế còn khó khăn, chủ yếu là do thiếu nguồn lực để thực hiện, kinh phí hỗ trợ đa phần là lồng ghép; chính sách về thuế còn bất cập; chưa hướng dẫn kịp thời hoạt động tín dụng nội bộ; khó thu hút lao động trẻ có trình độ về làm tại hợp tác xã v.v..

Để thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày 02 phương án, đó là xây dựng Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể và Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thành lập mới, củng cố, phát triển tổ chức kinh tế tập thể.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lúa gạo Việt Nam cũng đưa ra những chương trình hợp tác, liên kết với hợp tác xã trong phát triển ngành hàng lúa gạo, mở ra cơ hội mới cho kinh tế tập thể của Đồng Tháp.

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường cán bộ Quản lý nông nghiệp, Phát triển nông thôn II cho rằng, hỗ trợ thành lập mới tổ chức kinh tế tập thể phải đi kèm điều kiện để tránh tình trạng trục lợi chính sách; bổ sung hỗ trợ cho các hợp tác xã triển khai dịch vụ mang lại hiệu quả cao cho thành viên; giải quyết thấu đáo các quy định về thuế đối với hợp tác xã; nghiên cứu các mô hình hợp tác xã hiệu quả của các tỉnh, thành khác; triển khai chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi v.v..

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội nghị và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, nhất là góp ý của Tiến sĩ Trần Minh Hải. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành và địa phương tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu của Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh như: Thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; 60% tổng số hợp tác xã hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; xây dựng 40 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục góp ý về chính sách đột phá hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường truyền thông các mô hình hiệu quả v.v..

Dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình). Đây là hợp tác xã nhận được nhiều hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh và là một trong 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Ông Tạ Văn Bông - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình nhận Bằng khen.

 

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2018 – 2020 đã hỗ trợ 162 lượt lao động cho 78 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, theo Nghị quyết 176/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Năm 2021 tổ chức 10 lớp tập huấn, tuyên truyền về kinh tế hợp tác cho cán bộ nông nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp xã; hỗ trợ 43 lao động trẻ về làm việc tại 43 hợp tác xã nông nghiệp theo Nghị quyết số 339/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với 316 mô hình tại các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, với tổng kinh phí 22 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 09 hợp tác xã v.v..

 


Văn Thanh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

 

Có thể bạn quan tâm