Xuất bản thông tin

null Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Ngày 26/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, cập nhật các chiến lược, quy hoạch quốc gia giai đoạn 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với các mục tiêu đề ra.

Chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về đầu tư; quy định quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi để đưa các dòng vốn đầu tư phát triển, các dòng tài chính xanh của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động và điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện Chiến lược.

Quan điểm của Chiến lược là thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước thúc đẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Quyết định đưa ra mục tiêu tổng quát chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm theo lĩnh vực quản lý; tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, thuộc phạm vi quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược theo thẩm quyền, bảo đảm thống nhất, đồng bộ; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm cấp tỉnh; tích hợp lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào nội dung quy hoạch tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính và tham gia các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính đóng trên địa bàn. Tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược theo thẩm quyền; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược. Xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương.

 

Văn Thanh

Nguồn: Bộ KH&ĐT

Có thể bạn quan tâm