Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp đề xuất giải pháp chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Đồng Tháp đề xuất giải pháp chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm gì để chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững. Đây là nội dung Hội thảo vừa diễn ra sáng 24/9 tại thành phố Cần Thơ. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Cùng tham dự hội thảo có các chuyên gia độc lập và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 13 tỉnh, thành
Đồng bằng sông Cửu Long cùng các chuyên gia tham dự Hội thảo.

Thời gian qua, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL), do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã thể hiện vai trò, hiệu quả các công trình và phi công trình, các loại hình sinh kế bền vững cho người dân và sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực này thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sự hợp tác của chúng ta trong hai thập kỷ qua đã có nhiều kết quả tốt và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Để vận hành hiệu quả các nền tảng đã có và tài trợ sắp tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long cần có cách tiếp cận tích cực hơn. Câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là chuyện của đồng bằng chứ không phải chuyện riêng lẻ của từng tỉnh trong vùng. Các quy hoạch và quy hoạch mở chứ không chỉ đóng khung.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Ngân hàng Thế giới sẽ có chương trình tài trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị các địa phương thay đổi tư duy, thay vì hướng đến sự phát triển của địa phương mình thì cần hướng đến sự phát triển chung của khu vực. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và cách tiếp cận mới của thì chúng ta không còn chống chịu nữa mà chuyển sang thích ứng nhanh và kịp thời.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn
các địa phương cùng liên kết, hướng đến sự phát triển chung của khu vực

Đại diện các tỉnh, thành trong khu vực cũng đã có chia sẻ, kiến nghị về các vấn đề mà địa phương mình đang gặp phải để có được tiếng nói chung, mục tiêu chung, thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết vùng và tận dụng được các lợi thế của nhau, hướng tới bền vững cả vùng.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững thì cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mạnh phương thức nông nghiệp, khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết xây dựng thương hiệu, đa giá trị ngành nông nghiệp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia nông nghiệp dẫn dắt, không để người nông dân “tự bơi”, phát triển mạnh các mô hình kinh tế, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
 trao đổi với các chuyên gia bên lề hội nghị

Tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã trao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan quyển báo cáo Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam, chuyển sang mô hình lúa gạo cacbon thấp. Sản xuất cacbon thấp hay nói cách khác, đó là các giải pháp sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế phát thải nhà kính. Đây là tiêu chí của các thị trường nhập khẩu và cũng là đòi hỏi cấp bách của đồng bằng trong điều kiện hiện nay để phát triển bền vững, thịnh vượng.

 

Văn Thanh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

Có thể bạn quan tâm