Xuất bản thông tin

null Các chủ đầu tư phải cam kết hành động và quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Các chủ đầu tư phải cam kết hành động và quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao

Sáng 28/3, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình xây dựng cơ bản năm 2022, kết quả thực hiện Quý I năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Nguyễn Phước Thiện, Đoàn Tấn Bửu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh

Theo đó, giá trị giải ngân vốn đầu tư cả năm 2022 là 5.369,932 tỷ đồng/6.032,873 tỷ đồng, đạt hơn 89% so với kế hoạch tỉnh giao, cao hơn 12,45% so với cùng kỳ (năm 2021, đạt 76,56%) và có tỷ lệ cao nhất từ năm 2016 - 2021. Đồng thời, giải ngân đạt 90,35% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 07/34 đơn vị giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao và được đề nghị khen thưởng gồm: (1) Sở Giao thông vận tải; (2) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh; (3) Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; (4) Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959; (5) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; (6) Uỷ ban nhân dân huyện Tháp Mười; (7) Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc. Có 20/34 đơn vị giải ngân đạt từ 95% đến dưới 100% kế hoạch; 02/34 đơn vị giải ngân đạt trên mức trung bình chung của tỉnh; 05/34 đơn vị giải ngân đạt thấp hơn mức trung bình chung của tỉnh.

Theo ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các chủ đầu tư có sự phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và chủ động tập trung thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 chưa đạt 100% kế hoạch đã đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, các dự án sử dụng vốn ODA giải ngân rất thấp làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh; công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian và đang tiếp tục là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh; khâu tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn thiếu sự quyết liệt, chưa sát sao, chưa chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Ngoài ra, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn rất chậm.

Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công Quý I năm 2023, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Đồng Tháp và các chủ đầu tư, đến nay đã giải ngân 1.648,501 tỷ đồng/6.006,491 tỷ đồng, đạt 27,45% so với kế hoạch vốn do tỉnh giao, cao hơn 18,75% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 29,43% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng đối với ngành xây dựng, ông Trần Ngô Minh Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tổng số công trình đầu tư công trong năm 2023 là 819 công trình. Ghi nhận đến ngày 25/02/2023, vốn tỉnh đã giải ngân khoảng 800 tỷ đồng/1.700 tỷ đồng, đạt 47%.

Trước tình hình khó khăn về khan hiếm cát san lấp cho công trình hiện nay, Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư thuộc danh mục công trình ưu tiên cung ứng cát san lấp khẩn trương tổ chức tiếp nhận tối đa cát san lấp theo kế hoạch đã đăng ký hết tháng 4/2023 với khối lượng tiếp nhận khoảng 577.452m3; nhu cầu sử dụng cát san lấp còn lại sẽ được tiếp tục cung ứng sau khi 14 Giấy phép khai thác được phép gia hạn đến hết tháng 12/2023 hoặc khi có nguồn cung ứng mới; xem xét ưu tiên cung ứng cát san lấp các công trình sắp hoàn thành và các công trình giao thông có ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân từ phần khối lượng còn lại khoảng 202.165m3 của 14 Giấy phép khai thác cát đến ngày 30/6/2023 và nguồn hợp pháp khác (nếu có) v.v..

Về lâu dài, Sở Xây dựng đang dự thảo và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xin chủ trương nghiên cứu Đề án “Giải pháp giảm thiểu sử dụng cát san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, trong đó, sẽ đề xuất đồng bộ các giải pháp về vật liệu xây dựng, cốt nền, quy hoạch xây dựng, giải pháp thiết kế v.v..

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong thực hiện công tác xây dựng cơ bản năm 2022 và Quý I năm 2023; biểu dương các đơn vị làm tốt và đề nghị các đơn vị làm chưa tốt xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhấn mạnh chủ trương trong năm 2023 là phải chủ động hơn, làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện sử dụng vốn đầu tư công tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó khẩn trương hoàn thành phân khai vốn; rà soát, phân loại hồ sơ các công trình; phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bộ phận trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ tại thực địa, kịp thời đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Cùng với đó, đánh giá năng lực nhà thầu, có cơ chế thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, tâm huyết vào thực hiện các dự án đảm bảo triển khai chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.

Đối với khó khăn về khan hiếm cát san lấp cho công trình như hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát tình hình cung ứng và tiếp nhận cát san lấp theo Danh mục công trình ưu tiên cung ứng cát; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhà thầu và công ty cung ứng cát; thường xuyên cập nhật và hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc áp dụng giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu vật liệu thay thế cát v.v..

 

Văn Thanh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

Có thể bạn quan tâm