Xuất bản thông tin

null Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Thời gian qua, Đồng Tháp luôn quan tâm thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với nhiều giải pháp đồng bộ, giúp cộng đồng DN phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) tham quan dự án Trung tâm Dịch vụ khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH KNDT

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và mang tính đột phá, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC không còn phù hợp, gây phiền hà, làm lãng phí thời gian và tăng chi phí của DN.

Công tác đơn giản hóa TTHC được tập trung thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết hơn 500 thủ tục trên các lĩnh vực (đầu tư công, tiếp cận đất đai, đăng ký tài sản, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh); tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiết giảm chi phí, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là 1.397 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 37.081 hồ sơ. Trong đó, giải quyết đúng hạn là 3.338 hồ sơ, trước hạn là 30.996 hồ sơ và 1 hồ sơ trễ hạn.

Theo kết quả Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố ngày 11/3/2023 cho thấy, DN đánh giá rất cao về công tác CCHC và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Cụ thể, có 96% DN đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”; 96% DN đồng tình với nhận định “Cán bộ Nhà nước thân thiện”; 85% DN cho rằng “thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định”; 87% DN nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản”.

Đồng Tháp còn quan tâm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, DN, cá nhân phát triển sản xuất. Trong những tháng đầu năm, các ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án Trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các gói chính sách hỗ trợ của Trung ương đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 22/5, đã giảm 271 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và 21 tỷ đồng tiền thuê đất. Tính đến ngày 30/4/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay nhà ở xã hội với dư nợ là 40 tỷ đồng; Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 269 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tính đến ngày 30/4/2023 đã hỗ trợ cho 57.730 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ là 27,76 tỷ đồng.

Hướng đến sự phát triển của cộng đồng DN, tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng và triển khai các mô hình cải cách hành chính hiệu quả và việc làm thiết thực, với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi sự DN và lập nghiệp. Đơn cử như mô hình “Cà phê Doanh nhân - DN”, “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”... Các mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 6.146 hồ sơ theo mô hình Công dân không viết gắn với Dịch vụ công trực tuyến; 1.084 hồ sơ theo mô hình Kết hợp dịch vụ công trực tuyến với dịch vụ bưu chính công ích và 18 hồ sơ theo mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC.

Đồng hành cùng phát triển

Chủ trương “Đồng hành cùng DN” được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo phương thức mới, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi tương tác cùng DN tại các khu công nghiệp để lắng nghe, chia sẻ khó khăn. Qua các buổi họp mặt, chính quyền tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế nhằm phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, việc tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân, DN thông qua nhiều kênh như: Zalo, Facebook, Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân, nhất là các thông tin về các chính sách hỗ trợ, phản ảnh những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Từ sự đồng hành đó, tính đến hết tháng 5/2023, tỉnh phát triển mới 254 DN với tổng vốn đăng ký 1.311 tỷ đồng. Ước đến cuối tháng 6, có 325 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.930 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5/2023, Đồng Tháp thu hút được 9 dự án, đạt khoảng 30% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký 6.323 tỷ đồng, trong đó, có 3 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 437 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, có 11 dự án được chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư 6.242 tỷ đồng. Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2023, đến ngày 31/5, có 19 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 15 dự án đang triển khai xây dựng, 37 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo; 1 dự án thu hồi chủ trương đầu tư.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh tiếp tục chủ động, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với nhiều nội dung thiết thực nhằm tiếp tục hỗ trợ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; quy hoạch và phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ từng bước đầu tư những công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối trong Đồng Tháp và các tỉnh lân cận; góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng. UBND tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; tuyến tránh Quốc lộ 30 (đoạn TP Cao Lãnh) đang triển khai thi công...

UBND tỉnh đã hoàn chỉnh Phương án phát triển KCN, CCN và phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Công tác kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng trong các KCN, CCN đã được quy hoạch theo hướng đảm bảo hạ tầng đồng bộ về đường, điện, nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, nâng cấp các bến cảng, bến thủy nội địa; phát triển logistics gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường.

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực đột phá, chiến lược phát triển được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của DN; tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, môi trường kinh doanh lành mạnh để DN an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo đảm, tạo sự an tâm và tin tưởng của DN khi đầu tư, kinh doanh. Theo kết quả khảo sát và đánh giá chỉ số PCI do VCCI công bố vào ngày 11/4/2023, DN tiếp tục an tâm và tin tưởng vào hệ thống pháp lý của tỉnh, thể hiện qua các chỉ tiêu như: có 93% DN “tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng; 93% DN nhận xét “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật”; 93% DN đánh giá “phán quyết của tòa án là công bằng”...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng DN, chung sức chuyển hóa những thách thức thành cơ hội, góp phần xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng phát triển.

 

Văn Thanh

Nguồn: baodongthap

Có thể bạn quan tâm