Xuất bản thông tin

null Uỷ ban nhân dân Tỉnh tổ chức họp trực tuyến thường kỳ tháng 4/2021 với chuyên đề "Đánh giá và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trên địa bàn tỉnh"

Trang chủ Chi tiết bài viết

Uỷ ban nhân dân Tỉnh tổ chức họp trực tuyến thường kỳ tháng 4/2021 với chuyên đề "Đánh giá và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trên địa bàn tỉnh"

Sáng 05/5, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: Trần Trí Quang, Đoàn Tấn Bửu chủ trì cuộc họp trực tuyến Uỷ ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 4/2021.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Quyết tâm vượt khó

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ghi nhận sự cố gắng của các ngành, các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 4; trong đó kinh tế - xã hội duy trì ổn định, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, 04 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm nay đó là: Tập trung công tác phòng, chống Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ngày 23/5) và diễn tập khu vực phòng thủ (tháng 7).

Với tinh thần lạc quan, không đổ lỗi mọi khó khăn cho Covid-19, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần có thái độ tích cực, chủ động, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, vươn lên bằng sự đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao.

Riêng đối với những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 như: Thương mại, du lịch, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài v.v., Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương bám sát diễn biến của dịch Covid-19, tiếp tục phòng, chống dịch với tinh thần “vắc xin + 5K”; kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; nghiên cứu và có cách làm sáng tạo; bảo đảm không chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và cuộc bầu cử sắp tới trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đánh giá và nhân rộng các mô hình, cách làm hay

Bên cạnh tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, phiên họp còn dành thời gian thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực trạng học sinh không đủ kiến thức, kỹ năng và đề xuất biện pháp chấn chỉnh. Đáng chú ý trong phiên họp này, Uỷ ban nhân dân tỉnh đưa ra chuyên đề “Đánh giá và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trên địa bàn tỉnh” để các ngành, địa phương tập trung đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, cấp sở, ban, ngành tỉnh triển khai 33 mô hình, trong đó, khối ngành kinh tế là 20 mô hình (chiếm 60%). Một số mô hình tiêu biểu và có sức lan tỏa lớn: Cà phê doanh nghiệp, Hội quán nông dân, Tổng đài 1022, Chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công, Khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, hệ thống tưới nước tự động, rải vụ thu hoạch xoài.

Cấp huyện triển khai hơn 141 mô hình trên các lĩnh vực, tiêu biểu: Cây xoài nhà tôi (Hợp tác xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh); sản xuất hoa kiểng kết hợp tham quan du lịch (thành phố Sa Đéc), canh tác lúa lý tưởng (huyện Tháp Mười), phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay.

Nhìn chung, các mô hình có hiệu quả được các ngành, các cấp phát hiện, triển khai, nhân rộng giúp tuyên truyền, thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động của các chủ thể mô hình trong thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, huyện.

Tuy nhiên, việc phát hiện nhân tố mới chưa kịp thời; xây dựng mô hình tại cơ sở có nơi còn lúng túng, còn nhầm lẫn với dự án khởi nghiệp, dự án đầu tư. Một số cơ sở thành lập mô hình theo phong trào, hình thức thiếu tính vững chắc; việc củng cố, duy trì hoạt động có nơi còn khó khăn, vì thiếu nguồn lực; việc nhân rộng những điển hình tiên tiến xuất sắc chưa chuyên nghiệp, nên chưa phát huy tối đa nội lực, tiềm năng và sáng tạo của tập thể, cá nhân tại đơn vị, địa phương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu từng ngành, từng địa phương thực hiện rà soát, đánh giá tổng kết mô hình trong giai đoạn 2016 - 2020, xác định các mô hình tiếp tục củng cố, nhân rộng trong giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp thẩm quyền quyết định và bố trí nguồn lực để thực hiện; đồng thời, chú trọng phát hiện những nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo trên các lĩnh vực, nhất là mô hình ứng dụng công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh v.v..

Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên và có biện pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn để tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến phát huy tối đa nội lực và trở thành mô hình suất sắc – ông Phạm Thiện Nghĩa lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, cải cách hành chính vẫn là khâu đột phá nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ.

 

Văn Thanh

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

Có thể bạn quan tâm